SaaS – Câu chuyện đổi mới cho doanh nghiệp
SaaS hay Software as a Service đang dần trở nên phổ biến và được nêu tên trong rất nhiều chủ đề “hot” hiện nay như là một bước thúc đẩy giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí cho CNTT, thúc đẩy kinh doanh và hơn thế nữa. Cùng FPT Cloud Hub tìm hiểu về SaaS nhé!
Trước kia, khi chúng ta có nhu cầu mua và sử dụng một phần mềm cụ thể, thường phải mua toàn bộ gói sản phẩm, bao gồm mã nguồn, môi trường, máy chủ và các thành phần khác. Mô hình này thường được gọi là “Software as a Product” (SaaP), là một phương thức truyền thống, phổ biến trong việc mua sắm và sử dụng phần mềm, nơi phần mềm được coi là một sản phẩm độc lập.
Chẳng hạn giống như khi quyết định mua một chiếc máy tính xách tay mới, sau khi chọn lựa được cấu hình máy (chip, RAM, ổ cứng,…) doanh nghiệp bắt đầu cài phần mềm vào sử dụng. Và khi mua phần mềm, công ty thường phải mua một phiên bản hoặc giấy phép sử dụng cho sản phẩm đó, sau đó tự cài đặt và quản lý nó trên máy tính của công ty. Mô hình này cho phép người dùng có kiểm soát tối đa và linh hoạt trong việc quản lý phần mềm và phần cứng của mình, nhưng đôi khi, nó cũng đặt ra một số thách thức, đặc biệt khi phải tự giải quyết vấn đề hỏng hóc hoặc cập nhật.
Nhưng giờ đây, bước vào thế giới của SaaS (Software as a Service), chúng ta sẽ khám phá một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Thay vì phải mua và tự quản lý phần mềm trên máy tính cá nhân, SaaS tập trung vào cung cấp phần mềm dưới dạng dịch vụ trực tuyến. Nó cho phép doanh nghiệp truy cập phần mềm từ bất kỳ thiết bị có kết nối internet nào mà không cần lo lắng về việc cài đặt, nâng cấp hoặc bảo trì phần mềm. SaaS xuất hiện hứa hẹn đem lại sự tiện lợi hơn, giúp người dùng tập trung vào công việc của mình thay vì phải lo lắng về việc quản lý phần mềm.
Điều gì làm cho SaaS trở nên đặc biệt?
1. SaaS giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí
SaaS được biết đến như dịch vụ được lưu trữ điện toán đám mây và tính phí theo thời gian sử dụng (pay as you go), khác với trước đây khi cần cài đặt phần mềm mới, chúng ta cần mua bản quyền hoặc chi trả toàn bộ chi phí cho phần mềm.
Giờ đây, bạn chỉ cần trả tiền cho việc mua/thuê phần mềm theo nhu cầu, việc còn lại sẽ do bên bán/cung cấp cấp cho quyền truy cập theo các tiêu chuẩn, điều này giúp doanh nghiệp tránh được những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng phần mềm.
SaaS hoạt động tương tự như việc ta thuê máy theo giờ ở ngoài các tiệm net, chỉ cần bỏ chi phí thấp nhưng có thể trải nghiệm được toàn bộ dịch vụ “sang xịn mịn” trong khoảng thời gian nhất định tùy theo nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, khi có phiên bản phần mềm mới hoặc một giải pháp mới được phát hành, bạn hoàn toàn có thể sử dụng được chúng với chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều.
Tham khảo về báo cáo chi phí :
99+ Useful SaaS Stats 2024 [Facts and Trends] (thrivemyway.com)
2. Tiết kiệm thời gian và công sức
Thời gian để cài đặt và hoàn thiện hệ thống ở môi trường on premises thường dao động đến vài tháng hoặc cả năm trời. Thay vào đó, SaaS giúp tiết kiệm thời gian và công sức đáng kể khi giờ đây mọi thứ đều đã được cài đặt và cấu hình sẵn.
Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi được kích hoạt, ứng dụng sẽ được cài đặt và sẵn sàng cho bạn có thể sử dụng được ngay. Việc này sẽ giúp cho giảm thời gian tiêu tốn và trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
3. Khả năng tích hợp với các hệ thống khác
Ứng dụng SaaS đặc trưng bởi khả năng linh hoạt trong việc tương tác và hợp tác với các hệ thống và ứng dụng khác một cách thuận lợi. Khả năng tích hợp này không chỉ tạo điều kiện cho việc chia sẻ dữ liệu một cách tự động giữa các ứng dụng, mà còn thúc đẩy sự hiệu quả của quy trình công việc.
SaaS cung cấp các ứng dụng đa dạng cho nhiều khía cạnh của doanh nghiệp, từ quản lý khách hàng đến tài chính và sản xuất. Điều này giúp tối ưu hóa quy trình công việc và tăng cường hiệu suất làm việc.
Ví dụ cụ thể là Zoom, một công ty cung cấp giải pháp SaaS cho hội nghị trực tuyến, hội thảo trực tuyến và học trực tuyến. Sự phổ biến của Zoom đã tăng mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khi nhu cầu sử dụng hình thức làm việc và họp trực tuyến tăng cao.
Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực họp trực tuyến, Zoom đã mở rộng dịch vụ của mình và giới thiệu các sản phẩm và tính năng mới như Zoom Phone (hệ thống điện thoại dựa trên đám mây), Zoom Rooms (phần mềm cho phòng họp), và Zoom for Home (thiết bị phần cứng dành cho làm việc từ nhà). Với thành công đáng kể, Zoom Video Communications đã đoạt nhiều giải thưởng, bao gồm 3 giải năm 2022 và 17 giải năm 2021.
Nếu quan tâm, bạn cũng có thể tham khảo thêm các case study khác về những thành công của SaaS trong bài viết
4. SaaS cung cấp khả năng truy cập mọi lúc, mọi nơi cho nhân viên
Tính sẵn sàng cao là một trong những ưu điểm quan trọng của các dịch vụ phần mềm dưới dạng SaaS. Người dùng có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi từ xa, ngay cả khi ở nhà, quán café đều truy cập được miễn là có kết nối Internet. Điều này giúp cho khách hàng có sự linh hoạt và tối ưu hóa thời gian hơn, đặc biệt là trong những trường hợp phải làm việc từ xa.
SaaS và Sự phát triển Kinh doanh
Hiện nay, SaaS (Software as a Service) đã trở thành một phần quan trọng của ngành công nghệ thông tin, và đã thu hút sự quan tâm lớn từ nhiều tổ chức và doanh nghiệp. Những nhà cung cấp lớn có thể kể đến như Amazon Web Services (AWS), Google Cloud, Microsoft Azure,…
Sự phát triển và quy mô của các nhà cung cấp này đã khiến SaaS trở nên rất hữu ích. Đặc biệt đối với các công ty khởi nghiệp, việc có nguồn vốn ban đầu thường là một thách thức. Trong tình huống như vậy, SaaS trở thành một giải pháp giúp họ tiết kiệm thời gian và nguồn lực, và tập trung vào việc phát triển sản phẩm và kinh doanh chính mà không cần phải quản lý cơ sở hạ tầng và phần mềm.
Đặc biệt hơn, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường công nghệ, khi mà các công ty công nghệ đã phải áp dụng hình thức làm việc từ xa (Work from home), từ đó đã dẫn đến sự gia tăng về nhu cầu sử dụng các giải pháp Phần mềm dưới dạng dịch vụ như của Google Workspace: Google Drive, Google Docs, Google Sheets,…
Các tổ chức cũng đã tập trung vào việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số dựa trên SaaS để thích nghi, các công ty hạn chế đầu tư vào phần cứng công nghệ, họ triển khai các giải pháp dựa trên đám mây để đảm bảo sự liên tục trong hoạt động kinh doanh ở thời kỳ khủng hoảng, giúp giảm thiểu rủi ro tài chính và cải thiện khả năng thực hiện các dự án công nghệ. Nó cũng đồng nghĩa với việc cung cấp truy cập dễ dàng đến các công cụ và ứng dụng tiên tiến, giúp tăng cường hiệu suất và đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu của thị trường.
Theo Fortune Business Insights, thị trường SaaS trên toàn cầu được dự kiến sẽ tăng từ 273,55 tỷ đô la vào năm 2023 lên 908,21 tỷ đô la vào năm 2030, với tỷ suất tăng trưởng hàng năm CAGR là 18,7% trong thời kỳ dự báo. Các lĩnh vực đã và đang được phát triển bằng SaaS như ngành công nghiệp dịch vụ ngân hàng & tài chính (BFSI), sức khỏe, bán lẻ, IT,… Chẳng hạn trong lĩnh vực y tế, Sự tiến bộ nhanh chóng trong các công nghệ y tế từ xa, chẳng hạn như hội thảo video/âm thanh, phẫu thuật từ xa và X quang từ xa, sẽ thúc đẩy việc áp dụng các dịch vụ đám mây.
Kết luận, SaaS không chỉ là một xu hướng tạm thời mà còn là một công cụ mạnh mẽ giúp doanh nghiệp phát triển và hoạt động hiệu quả trong thời đại số hóa. Sự linh hoạt, tính linh hoạt, và khả năng tối ưu hóa chi phí của SaaS đang thúc đẩy sự lựa chọn này trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhiều tổ chức, giúp nhanh chóng thích nghi với môi trường kinh doanh thay đổi.
Cùng chờ đón các bài viết khác về #SaaS với @FPT Cloud Hub nha
Nguồn: Bùi Hồ Linh Nhi